Blog Phong Tục & Cuộc Sống

Thọ Mai Gia Lễ – Phần II – Chương 3

Luận Về Việc Tống Chung

Tống Chung có nghĩa là sửa soạn công việc trăm năm của người quá vãng như việc lo canh trực xác chết (thi hài) đến việc tống táng và việc trả nợ miệng.

Những công việc này được theo thứ tự mà lo thi hành như sau:

Lúc Chết

Trừ khi người chết 1 cách đột ngột, không kịp trối trăn điều gì thì phải chịu, còn như ông bà hoặc cha mẹ hay người thân thuộc trong gia đình, khi đau ốm phải lo thuốc thang cho tận tình mà không thấy thuyên giảm, mà liệu ôn tồn mà đặt Hiệu, cũng gọi là tên Hèm, tên cúng cơm, theo chữ Nho là Thụy Hiệu, ngụ ý là theo cái sở thích, đức độ của người khi còn sống.

Trong khi đó, hỏi người có nhắc nhở những điều gì và muốn thức ngon vật lạ gì không, cần phải rất khôn khéo đừng để cho người bệnh lo sợ vì còn lúc mê lúc tỉnh bất thường.

Đặt Tên Thụy

Khi đặt tên Thụy rồi thì ghé tai hỏi nhỏ người có chịu tên đó không rồi ghi chép tất cả mọi ý mọi lời của người hấp hối cho vào sổ Gia phả lưu truyền.

Nói 1 cách khái quát tên Thụy đặt cho người đàn ông thường dùng những chữ như Tín, Trung, Dũng, Cương, v.v… và đặt cho người đàn bà thường dùng những chữ như Diệu, Thảo, Trinh, Thuận, v.v…

Khi người hấp hối đã ú ớ nói ngọng đồng thời tay bắt chuồn chuồn là lúc người rất tỉnh, chỉ tỉnh trong giây phút cố níu sự sống nên tay quơ quàng, miệng muốn nói mà bị cấm khẩu, rồi nhiều khi ứa nước mắt ra thương con thương cháu, thương người thân thích không thể được nữa mà lần lần nhắm mắt.

Việc Cần Làm Sau Khi Trút Hơi Thở Cuối

Lúc đó dùng nước thơm (ngũ vị hương) lau rửa sạch sẽ, thay áo quần cho người tươm tất và để ý xem có hồi sinh hay không?

Thấy thi thể đã lạnh đều, chứng tỏ không thể hồi sinh được nữa, bấy giờ vuốt mắt cho người nhắm lại. 

Sửa chân tay lại cho ngay thẳng, 2 bàn tay xòe ra đè úp lên bụng lấy sợi vải trắng cột 2 ngón tay cái liền với nhau, để tránh cho bàn tay khỏi nắm lại, vì rất kỵ, rất quan trọng cho người sống. 

Xong rước người ra chính tẩm đặt lên giường sau khi đã Phạn Hàm, đậy mặt và hú hồn người. Đầu đặt phía cửa ra vào, chân phía bàn thờ.

Phạm Hàm Và Chiêu Hồn

Khi vuốt mắt và chân tay người chết thì 1 mặt người nhà ra đứng ở ngã 3 đường làng hay xóm, hoặc leo lên mái nhà hô lớn tên họ người chết, tay trái thì cầm cổ áo của người vẫn mặc xưa nay để hồn nhập xác nếu số chưa chết còn vất va vất vưởng chưa biết lối về.

Đàn ông thì hô to 7 tiếng, đàn bà thì 9 tiếng (thất phách hay cửu phách).

Ví dụ: ông X chết thì hô rằng: 3 hồn 7 vía ông X ở đâu thì về với con cháu. Hoặc bà X chết thì hô rằng: 3 hồn 9 vía bà X ở đâu thì về với con cháu.

Hô như vậy 4 phía liên tiếp khi hô rồi thì đem áo đó phủ lên thi thể của người chết.

Trong khi ấy thì ngời khác lấy 1 chiếc đũa ngáng ngang miệng người chết cho khỏi cắn răng để việc Phạn Hàm cho dễ và cũng để chờ xem hồn phách người chết có trở lại hồi sinh hay không

Nên lễ Phạn Hàm phải chờ sự may mắn đưa lại đã. Thấy hết hy vọng người chết sống lại thì

Lễ Phạn Hàm làm theo thứ tự 5 bậc sau:

  • Bậc vua chúa: dùng trân châu là loại ngọc quý nhất bỏ vào miệng thay cơm gạo
  • Bậc chư hầu (nước nhỏ): dùng loại ngọc bích bỏ vào miệng thay cơm gạo
  • Bậc đại phu (quan lớn): dùng vàng bỏ vào miệng thay cơm gạo
  • Bậc sĩ phu (người có danh vọng): dùng ngọc bối bỏ vào miệng
  • Bậc dân dã (bạch đinh): dùng cơm gạo thay vì dùng vàng ngọc hay bối

Theo lễ Phạn Hàm được quy nhất thì dùng 1 nắm gạo nếp vo sạch và 3 đồng tiền mài cho sạch bỏ vào miệng người chết. Phạn là cơm, Hàm là ngậm. 2 chữ Phạn Hàm có ý nghĩa như vậy.

Xong Phạn Hàm và Chiêu Hồn rồi thì trải chiếu xuống đất, đem người chết đặt nằm xuống để hưởng hơi đất theo thuyết “Vạn Vật Đồng Quy Thổ”, tất cả mọi vật cũng đều trở về long đất.

Chuyển Người Chết Ra Chính Tẩm

Để nằm 1 chút xíu rồi đem thi thể lên giường chuyển ra chính tẩm, lấy giấy đậy mặt lại, dưới đất tưới dầu hôi để tranh cho kiến hoặc gián khỏi bò tới và phải luôn có người túc trực để phòng mèo, chó làm hỗn nhảy qua thi thể, hoặc loại chuột ở trên xà nhà nhó xuống, nếu mặt người chết không được đậy kín, rất có thể sinh điều tai hại, quỷ quái.

Thi thể đặt chính tẩm nếu người đó lớn nhất trong gia đình, ngược lại bậc dưới của người còn sống thì phải đặt né qua chính tẩm 1 chút.

Tất cả lễ nghi quan trọng nhất của đám tang là bắt đầu từ giờ phút người bệnh khi linh hồn rời khỏi thể xác.

Lễ Nhập Liệm

Nhập là vào, có nghĩa là Nhập Quan, đặt thi thể vào quan tài. Quan tài hay còn gọi nôm na là hòm

Liệm là bó xác chết lại cho kín đáo, đừng để cho lộ liễu. 

Tiểu Liệm (Liệm)

May 4 cái túi để bao 2 bàn tay, 2 bàn chân của người chết,phòng sau này 3 năm cải táng những đốt xương nhỏ quá sẽ sơ sót lẫn vào bùn.

Dùng 1 tấm chăn nhỏ hoặc vải bọc thi thể cho kín, rồi buộc 1 đai bằng vải trắng chiều dọc, 1 đai chiều ngang như chữ thập.

Đại Liệm (Khâm)

Dùng vải trắng nguyên khổ lớn bọc ngoài cho kỹ lưỡng, đầy đủ, lồi 1 đai buộc dọc và buộc ngang 5  đai, từ cổ tới chân.

Khâm và Liệm đều phải ước lượng chiều cao, chiều rộng của người chết mà làm đừng để thiếu thốn tội nghiệp.

Xong việc Đại Tiểu Liệm rồi cần thêm 1 tấm Tạ Quan.

 Tạ Quan là 1 chiếc chăn hay 1 tấm vải mỏng cũng được, để bọc thêm bên ngoài: tránh cho mọi người khỏi ngó thấy những đai buộc ngang dọc mà mủi lòng.

Nhập Quan

Theo tín ngưỡng người Đông phương, phần nhiều người sống sợ người chết phạm trùng, hoặc không hợp vong, làm ăn lủng củng

Nên phải chọn ngày cho hợp với vong linh, khỏi quấy phá con cháu nên phải nhờ thầy yểm bùa trấn áp, hoặc đặt lên thi thể khi sắp sửa đậy nắp quan tài bằng cách dùng 1 miếng giấy trắng, hoặc giấy vàng, bề dài 4 tấc tây, bề ngang 2 tấc tây viết 4 chữ bằng sơn đỏ chiếu theo tháng chết như sau:

  • Người chết vào tháng Giêng, 2, 6, 9, hoặc Chạp ghi: Lục Canh Thiên Hình
  • Người chết vào tháng 3 ghi: Lục Tân Thiên Đình
  • Người chết vào tháng 4 ghi: Lục Nhâm Thiên Lao
  • Người chết vào tháng 5 ghi: Lục Quý Thiên Ngục
  • Người chết vào tháng 7 ghi: Lục Giáp Thiên Phúc
  • Người chết vào tháng 8 ghi: Lục Ất Thiên Đức
  • Người chết vào tháng 10 ghi: Lục Bính Thiên Uy
  • Người chết vào tháng 11 ghi: Lục Đinh Thiên Âm

Khi đậy nắp quan tài, đóng đinh, gắn kỹ lưỡng rồi, được đặt lại chính tẩm, đầu tại phía cửa chính ra vào đẻ ngó vào bàn thờ tổ tiên.

Nếu người chết là bậc dưới phải nhích quan tài qua 1 bên, tỏ ý kính người sống lớn bậc hơn.

Đặt trên nắp quan tài 7 ngọn nến tượng trưng 7 ngôi sao (Thất Tinh), để bát hương, 1 chén cơm thật đầy 1 quả trứng gà luộc bỏ vỏ đặt lên trên và cắm 1 đôi đũa bông 2 bên trứng gà.

Đèn nhang luôn sáng. Dưới chân kê quan tài vẩy dầu hôi để tránh kiến, gián bò lên.

*** Lưu Ý: Giờ nhập quan phải tính tuổi vong với trưởng nam kỵ nhau, coi chương 5 phần I mục f ghi những tuổi kỵ liệm, chôn cần tránh trong gia đình.

Còn tiếp Phần Sau – Phần II Chương 3 -2

Phần II – Chương 3 – 3

Thọ Mai Gia Lễ Phần Cuối

Cơ Sở Mai Táng Hàng Đầu Tại TpHCM – Sanguine

Trại Hòm Tốt Nhất TpHCM – Sanguine

Loading...